Chuyên gia khuyến khích người dân dùng ô tô hybrid trước khi chuyển sang 100% xe điện
Với điều kiện như ở Việt Nam hiện nay, trước khi tiến tới các loại xe thuần điện, Chính phủ nên khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe hybrid, đồng thời ưu tiên các loại xăng sinh học để đạt hiệu quả sớm nhất thực hiện cam kết CoP26.
Đó là ý kiến của đại diện Deloitte trong khuôn khổ Hội thảo "Giải pháp xanh giảm phát thải trong ngành ô tô hướng tới trung hoà carbon” được tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (3/8).
Các chuyên gia cho rằng, cần có nhiều giải pháp thiết thực và khả thi hơn để hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, hướng đến "net zero” vào năm 2050 theo cam kết COP26 mà Việt Nam đã tham gia. Tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, đưa ra lộ trình khai tử xe động cơ đốt trong, sử dụng 100% xe thuần điện vào năm 2050.
Quyết định này có tác động mạnh tới xu hướng phát triển của thị trường ô tô Việt Nam hiện nay và đặt ra các bài toán chuyển đổi sản xuất cho các hãng xe.
Xe hybrid kết hợp với xăng sinh học là giải pháp tối ưu hiện nay
Tại Hội thảo, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố hàng loạt nghiên cứu mới đây trong dự án "Theo dõi đánh giá hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học trên dòng xe động cơ đốt trong (ICE) và xe công nghệ xăng lai điện hybrid (HEV)".
Cụ thể, dự án đã tiến hành nghiên cứu về các yếu tố: Tiêu thụ nhiên liệu, mức độ phát thải và điều kiện sử dụng thực tế giữa hai dòng xe ICE và HEV. Thời gian thực hiện dự án từ ngày 16/03/2023 đến ngày 10/07/2023, được đo kiểm trong điều kiện phòng thí nghiệm và trên đường thực tế (đường nội đô, đường quốc lộ và cao tốc) vào cả khung giờ cao điểm và thấp điểm.
Để đảm bảo tính khách quan, hai xe được sử dụng để nghiên cứu đều là mẫu Toyota Corolla Cross với 1 chiếc bản V (sử dụng động cơ đốt trong) và 1 chiếc bản HV (hybrid). Kết quả thử nghiệm đã khiến nhiều người bất ngờ về khả năng tiết kiệm nhiên liệu và đặc biệt là mức độ phát thải của xe hybrid khi kết hợp với xăng sinh học.
Kết quả, về tiêu thụ nhiên liệu: xe HEV cho hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn xe ICE ở cả 3 loại xăng (RON 95-V, xăng sinh học E5 và E10) với mức từ 51-57%.
Trong điều kiện nội đô cao điểm, xăng sinh học giúp xe HEV giảm đáng kể lượng tiêu thụ nhiên liệu so với xăng thông thường, trung bình là xăng E5 là 9,25% và xăng E10 là 11,0% so với RON 95-V. Hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu của xăng sinh học thay đổi theo vận tốc và mức cản ở bánh xe.
Về mức độ phát thải, trong nhiều điều kiện hoạt động với cả 3 loại xăng, xe HEV cho hiệu quả cắt giảm CO2 tốt
hơn xe ICE, lớn nhất là 61% trong điều kiện nội đô; Xe HEV cho hiệu quả cắt giảm khí độc hại rõ rệt so với xe ICE với cả 3 loại xăng, lớn nhất giảm 27% khí HC và 48% khí CO.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu trong dự án cũng cho thấy, sử dụng xăng sinh học giúp xe HEV đạt hiệu suất cao hơn. Cụ thể, xăng sinh học E5 giúp tăng 4,8%, còn xăng E10 tăng 2,15% công suất so với xăng RON 95-V. Khả năng tăng tốc của cả xe ICE và xe HEV khi sử dụng xăng sinh học cũng tốt hơn so với sử dụng xăng RON 95-V từ 4,5-11,4%.
Dựa trên nghiên cứu trên, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng, việc sử dụng xe hybrid kết hợp sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ phù hợp và tiết kiệm chi phí với người Việt hiện nay, đồng thời là giải pháp kịp thời giúp góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay lập tức tại Việt Nam.
Cần cách tiếp cận đa chiều với vấn đề khí thải
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu độc lập cũng đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí carbon của ô tô phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Trong đó, đại diện Toyota Việt Nam trình bày các giải pháp xanh cùng nhiều thông tin về hướng tiếp cận đa chiều của Toyota khu vực, các nỗ lực thực hiện hoạt động giảm phát thải của Toyota Việt Nam trong toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Cụ thể, Toyota Việt Nam đưa ra 3 góc nhìn cũng như giải pháp để giảm phát thải: Thứ nhất, cần cân nhắc quá trình chuyển đổi năng lượng và nguyên vật liệu thân thiện với môi trường hơn, đồng thời phải quản lý phát thải từ lúc sản xuất cho đến khi tái chế.
Thứ hai, về góc nhìn quản lý kinh tế, cần đảm bảo một mô hình kinh doanh bền vững, bao gồm các khoản hỗ trợ cho khách hàng và các nhà sản xuất ô tô để đảm bảo sự chuyển đổi ngành công nghiệp xanh hơn.
Và thứ ba, với góc nhìn từ phía khách hàng, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" mà không có ai bị bỏ lại phía sau, cần phát triển các dòng xe điện hoá khác nhau đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Đại diện Công ty tư vấn Deloitte - đơn vị chuyên nghiên cứu và đưa ra giải pháp toàn cầu cho biết, theo nghiên cứu trong khoảng 20 năm qua, riêng các loại phương tiện giao thông đường bộ chiếm lượng lớn khí thải, vào khoảng 16-17% lượng khí thải carbon toàn cầu và vẫn không ngừng tăng lên.
Tuy vậy, việc kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại không chỉ tập trung vào "ống xả" của các phương tiện tiện giao thông mà cần phải nhìn rộng ra nhiều vấn đề khác khi sản xuất nên 1 chiếc xe, từ nguồn cung nguyên liệu, vật liệu sản xuất, quá trình sử dụng và phát thải trong vòng đời đến khi thải bỏ hoàn toàn phương tiện đó.
Đại diện Deloitte cũng cho rằng, với điều kiện như ở Việt Nam hiện nay, trước khi tiến tới các loại xe thuần điện hoặc sử dụng nhiên liệu hydro, Chính phủ nên có hướng khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe hybrid, đồng thời ưu tiên các loại xăng sinh học để đạt hiệu quả sớm nhất.
tin liên quan
xe mới về
-
Toyota Vios E CVT 2022
Giá: 448 Triệu
-
Kia Cerato 2.0 AT Premium 2019
Giá: 490 Triệu
-
Kia K3 Premium 2.0 AT 2022
Giá: 590 Triệu
-
Ford EcoSport Titanium 1.5L AT 2016
Giá: 348 Triệu
-
Kia Sedona 2.2L DAT 2018
Giá: 638 Triệu
-
Ford Transit Limousine 2015
Giá: 328 Triệu